Tác động chính trị và truyền thông Thích_Quảng_Đức

Những bức ảnh của Browne chụp cảnh tự thiêu nhanh chóng truyền đi bằng các phương tiện điện tín và lên trang nhất của nhiều tờ báo khắp thế giới. Việc một hòa thượng tự thiêu tại một đất nước mà phần đông dân số theo đạo Phật đã được ghi nhận là bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mặc dù sự suy yếu của chính phủ bắt đầu lộ rõ từ trước nhưng vụ việc vẫn được coi là bước then chốt trong tình hình hỗn loạn lúc bấy giờ.[40] Nhà sử học Seth Jacobs khẳng định Hòa thượng Thích Quảng Đức đã "đốt cuộc thử nghiệm Diệm của nước Mỹ ra tro" và "không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Ngô Đình Diệm" một khi những bức ảnh của Browne đã hằn vào tâm trí của công chúng thế giới.[41] Ellen Hammer mô tả rằng sự kiện đã gợi lên những hình ảnh đen tối về sự đàn áp và ghê rợn, tương ứng với một thực tại rất châu Á mà người phương Tây vốn không hiểu".[42] William Colby, giám đốc CIA vùng Viễn Đông cho rằng Ngô Đình Diệm "đã xử trí cuộc khủng hoảng rất dở và đã để cho nó tiến triển. Nhưng thực sự tôi không nghĩ rằng có nhiều cơ hội để họ giải quyết vấn đề một khi đã có một thầy tu tự thiêu".[40]

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói rằng "không có một bức hình thời sự nào trong lịch sử lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy"

Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, người đứng đầu chính phủ đồng minh với Việt Nam Cộng hòa, biết được thông tin về vụ một nhà sư tự thiêu tại Nam Việt Nam khi đọc báo tin tức buổi sáng, trong khi ông đang ngồi trên giường và nói chuyện với em trai Robert F. Kennedy, viên chưởng lý Hoa Kỳ. Tổng thống đã cắt ngang cuộc đàm thoại về tình hình tại bang Alabama và thốt lên: "Lạy Chúa Giê-su!".[41] Về sau ông nhận xét rằng "trong lịch sử không có một bức hình thời sự nào lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy"[41]. Thượng nghị sĩ Frank Church, thành viên Ủy ban Quan hệ Quốc tế, đã phát biểu: "Người ta chưa từng chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như thế này kể từ khi các vị thánh tử vì đạo dắt tay nhau vào đấu trường La Mã nộp mình".[42]

Tại châu Âu, bức ảnh được bày bán hàng loạt trên đường phố như những tấm bưu thiếp trong suốt thập niên 1960. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã in bức ảnh ra hàng triệu bản và phân phát khắp châu Áchâu Phi như một minh chứng về "chủ nghĩa đế quốc Mỹ"[38]. Một trong những tấm ảnh Browne chụp cảnh tượng kinh hoàng vẫn còn dán trên chiếc xe mà Thích Quảng Đức lái tới ngã tư nơi ông tự thiêu.[38] Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự khâm phục trước hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức qua hai câu đối: Vị pháp vong thân vạn cổ hùng uy Thiên Nhật Nguyệt/Lưu danh bất tử bách niên chính khí Địa Sơn Hà.[43]

Đối với Browne và hãng thông tấn AP, những bức ảnh là một thành công trong tiếp thị. Ray Herndon, nhà báo hãng thông tấn UPI (United Press International) đã quên không mang máy ảnh ngày hôm đó nên bỏ lỡ cơ hội chụp cảnh một hòa thượng tự thiêu, sau đã bị cấp trên la rầy. UPI ước lượng rằng có 5.000 độc giả ở Sydney, một thành phố lúc đó có khoảng 1,5 đến 2 triệu dân, đã chuyển sang lấy tin từ các nguồn của hãng AP.[44] Về phía chính quyền Ngô Đình Diệm, tờ Times of Vietnam, cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh, đã gia tăng sự công kích đối với các nhà báo Mỹ và giới Phật tử. Những dòng tít kiểu như "Giới chức chùa Xá Lợi đưa ra lời hăm dọa mới" hay "Sư sãi âm mưu ám sát" xuất hiện trên mặt báo. Một bài báo hoài nghi về mối quan hệ giữa các nhà sư và báo chí với việc đặt một câu hỏi tại sao "rất nhiều cô gái trẻ ra vào chùa Xá Lợi vào buổi sáng sớm" và sau đó cho rằng họ đã được đưa vào trong đó vì mục đích tình dục cho các phóng viên.[45]

Tấm ảnh đoạt giải của Browne đã được giới truyền thông đại chúng sử dụng lại trong nhiều thập niên. Năm 1992, ban nhạc rock Rage Against the Machine sử dụng một tấm ảnh làm bìa cho album và đĩa đơn đầu tay của họ. Trong tập 408 bộ phim hoạt hình South Park, "Chef Goes Nanners", nhân vật Chef đã dùng đến tấm ảnh tự thiêu của Browne trước khi đổ xăng và đốt cháy một nhà sư để phản kháng lại lá cờ phân biệt chủng tộc của thị trấn.[46]

Ngày 22/8/1963, thống chế Sarit Thanarat, thủ tướng Thái Lan, đề nghị triệu tập một hội nghị sơ bộ gồm các nước Phật giáo trước lúc đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc. Bốn ngày sau đó Đại tá Mutukhan, Phó giám đốc nha Tôn giáo thuộc bộ Giáo dục, đã khuyến cáo chính phủ Ngô Đình Diệm bằng những lời gay gắt và như một tiên tri:

“Vì đã đàn áp Phật tử Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ phải hứng chịu hết những tai hoạ dưới đủ mọi hình thức, hiểu theo giáo lý nhà Phật, kể cả diệt vong và đọa địa ngục...”[47]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thích_Quảng_Đức http://books.google.ca/books?hl=en&id=TgSz9snm7HcC... http://books.google.com/books?id=6HUzAAAAMAAJ http://books.google.com/books?id=MPVAAAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=XGo1AAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=ZVMPAAAAMAAJ http://books.google.com/books?id=hxZDAAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=tXAaAAAAMAAJ http://quangduc.com/p4608a6669/7/tieu-su-bo-tat-th... http://www.quangduc.com http://content.time.com/time/magazine/article/0,91...